Không quản lý di sản thờ cúng theo di chúc

05/01/2018

Câu hỏi:
Ông nội tôi có 4 người con gồm 2 trai, 2 gái. Trước khi mất ông nội có di chúc để lại một mảnh đất rộng 50 m2 làm nơi thờ cúng tổ tiên và ông bà; ông nội tôi giao cho bác cả tôi có nhiệm vụ quản lý, thờ cúng. Sau khi ông nội tôi mất thì các cô bác nhà tôi cũng họp bàn và đồng ý để bác cả đứng ra lo liệu thờ cúng. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian đầu, sau đó bác cả tôi không còn chăm lo thờ cúng nữa, cũng không thường xuyên quán xuyến khu đất đó khiến cho nhà thờ bị xuống cấp; các cô bác tôi có góp ý nhiều lần nhưng bác cả đe dọa bảo do bác là cả nên thích làm gì thì làm...nên khiến các cô bác hết sức búc xúc. Vậy xin hỏi là trường hợp này của gia đình tôi thì xử lý thế nào?

Trả lời:

Kính gửi anh/chị, tình huống của anh/chị,bộ phận tư vấn pháp luật tổng đài 1900 6179 – Công ty Luật TNHH Huy Thànhxin giải đáp như sau:

Khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Điều 645. Di sản dùng vào việc thờ cúng
1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”.
Theo quy định nêu trên, bác cả nhà anh/chị được chỉ định trong di chúc thực hiện việc quản lý mảnh đất dùng vào việc thờ cúng nên bác cả phải có trách nhiệm thực hiện theo nội dung di chúc đó. Trong trường hợp bác cả không thực hiện đúng nội dung di chúc (không chăm lo thờ cúng, không quản lý khu đất thờ cúng…) thì những người thừa kế của ông nội (các cô, bác của anh/chị) có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Các cô bác của anh/chị có thể thỏa thuận cử ra một người quản lý di sản thờ cúng theo nội dung di chúc ông nội để lại.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop