Trả lời:
Cảm ơn anh/chị đã gửi câu hỏi đến tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6179 – Công ty Luật Huy Thành. Chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Công ty Y đã có những hành vi xâm phạm đối với QSHTT của công ty bạn về nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp.
Cụ thể như sau:
Theo Khoản 4 Điều 4 LSHTT 2014: “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.” Trong tình huống nêu trên, công ty Y đã có hành vi xâm phạm QSHTT của công ty bạn liên quan đến quyền đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp.
1. Hành vi xâm phạm QSHTT liên quan đến nhãn hiệu.
(Nhãn hiệu sản phẩm kẹo của công ty bạn là “Lolipop” còn nhãn hiệu sản phẩm kẹo của công ty Y là “Lohipopp”)
Nhãn hiệu là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau (Khoản 16 Điều 4 LSHTT).
Một nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện:
(1) Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc.
Theo đó, nhãn hiệu phải được con người “nhìn thấy”, phải “tri giác” được để rồi nhận thức được nó là cái gì, hình thức thể hiện của nó như thế nào? Ví dụ như đối với các sản phẩm trong siêu thị, khách hàng khi nhìn nhãn hiệu có thể biết được đó là sản phẩm gì, là Sunlight (dầu rửa bát), Omo (bột giặt) hay là Hảo Hảo (mì tôm)…
Nhãn hiệu được thể hiện thông qua các dấu hiệu chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc. Là những dấu hiệu giúp con người dễ dàng nhận thức được, phổ biến và dễ dàng thể hiện ra bên ngoài. Ví dụ như nhãn hiệu của hãng Apple là hình quả táo bị cắn dở, chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh Lotteria là 2 chữ cái LO (chữ L màu đỏ, chữ O màu vàng)…
(2) Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Khả năng phân biệt của nhãn hiệu được quy định tại Điều 74 LSHTT được hiểu là được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 74. Đối với nhãn hiệu là chữ cái/từ ngữ thì được phân biệt ở các dấu hiệu là số lượng chữ cái, cách sắp xếp các chữ cái, cách phát âm và ý nghĩa của chữ cái/từ ngữ đó.
Trong trường hợp này, “Lolipop” là nhãn hiệu của sản phẩm kẹo do công ty bạn làm chủ sở hữu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp GCNĐKNH từ 1/6/2000. Sau đó vào tháng 8/2015, công ty bạn phát hiện công ty Y sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm kẹo gắn dấu hiệu “Lohipopp”, cả hai nhãn hiệu trên đều được tạo bởi các chữ cái tiếng Latinh. So sánh giữa “Lolipop” và “Lohipopp” ta có thể dễ dàng nhận thấy:
- Về số lượng chữ cái: hơn kém nhau 1 chữ cái (“Lolipop” gồm 7 chữ cái, “Lohipopp” gồm 8 chữ cái).
- Về cách sắp xếp chữ cái: có sự tương tự giữa “Lohipopp” so với “Lolipop” về cách sắp xếp chữ cái “Lo”, “ipop”.
- Về cách phát âm: hai từ này có cách phát âm gần như tương tự nhau, chỉ khác ở âm “li” và “hi”, nhưng cũng rất dễ dẫn đến sự tương tự khi đọc.
Như vậy, từ sự so sánh trên, căn cứ theo điểm h Khoản 2 Điều 74 LSHTT 2014, công ty Y đã xâm phạm QSHTT của công ty bạn về nhãn hiệu.
2. Hành vi xâm phạm QSHTT liên quan đến kiểu dáng công nghiệp.
Theo Khoản 13 Điều 4 LSHTT 2014: “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.” Điều 63 quy định một kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện:
(1) Có tính mới. (Điều 65)
(2) Có tính sáng tạo. (Điều 66)
(3) Có khả năng áp dụng công nghiệp. (Điều 67)
Trong tình huống trên, bao bì sản phẩm kẹo của công ty bạn và công ty Y đều có hình viên kẹo lớn, có bóng bay xung quanh và có hình ông mặt trời cách điệu ở phía trên. Như vậy, bao bì sản phẩm của công ty Y không đáp ứng điều kiện được bảo hộ theo luật định đó là không có tính mới: bao bì sản phẩm của công ty Y có sự đồng nhất và tương tự gần giống dễ gây nhầm lẫn với bao bì sản phẩm của công ty bạn (đều có những hình vẽ tương tự nhau chỉ khác cách sắp xếp) khiến cho việc dùng các đặc điểm về hình vẽ, màu sắc ấy để phân biệt hai sản phẩm là điều khó khăn. Vậy công ty Y đã xâm phạm QSHTT của công ty bạn về kiểu dáng công nghiệp.
Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY