Triệt phá đường dây mại dâm do “tú bà” 17 tuổi cầm đầu

05/01/2018

1. Nội dung vụ việc
Ngày 2/10/2014, Công an Quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết đã triệt phá đường dây mại dâm do Nguyễn Thị Ba (17 tuổi, trú ở Kỳ Sơn, Hòa Bình) cầm đầu.
Trước đó, ngày 1/10, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra hành chính đối với một nhà nghỉ trên đường Đình Quán (Bắc Từ Liêm) thì phát hiện hai cặp nam nữ đang có hành vi mua bán dâm tại phòng 501 và 701. Tiếp tục kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ Nguyễn Thị Ba đang ngồi chờ ở phòng 201.

Hai khách mua dâm khai nhận, cách thời điểm bị phát hiện vài giờ, họ liên lạc với Ba. Sau khi thỏa thuận, cô ta gọi 2 gái bán dâm Nguyễn Thị Vui (22 tuổi, ở Thanh Hóa) và Vũ Thị Huyền (20 tuổi, quê Tuyên Quang) đến nhà nghỉ phục vụ khách với giá 1,5 triệu đồng/lượt. Ngoài ra, "tú bà" này còn thu của khách thêm 1 triệu đồng tiền công môi giới và ngồi chờ khi xong việc sẽ về cùng 2 cô gái.
* Tên các nhân vật đã thay đổi.
2. Nhận định pháp lý
2.1. Xác định tội danh
Theo nhận định, Nguyễn Thị Ba có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội môi giới mại dâm” theo Điều 255 Bộ luật hình sự.
Khoản 1 Điều 255 quy định cấu thành tội môi giới mại dâm:
“Người nào dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.
Ở vụ việc, sau nhận được cuộc gọi của khách mua dâm, Nguyễn Thị Ba đã gọi 2 gái bán dâm đến nhà nghỉ để phục vụ khách với giá 1,5 triệu đồng/lượt. Ngoài ra Ba còn thu thêm của khách 1 triệu đồng tiền công môi giới. Có thể thấy, hành vi thỏa thuận với khách mua dâm rồi gọi 2 cô gái tới nhà nghỉ phục vụ khách được coi là hành vi “dẫn dắt người mại dâm”, đầy đủ yếu tố cấu thành của tội môi giới mại dâm theo Điều 255.
Việc xác định, Ba phạm tội thuộc Khoản nào của Điều 255 còn phụ thuộc vào kết quả điều tra. Cơ quan điều tra cần xác định xem Ba thực hiện phạm tội bao nhiều lần, tính chất phạm tội như thế nào (xác định tính chuyên nghiệp), có gây hậu quả nghiêm trọng không?...Nếu không xác định được các tình tiết trên thì chỉ có thể truy cứu Ba theo khoản 1 Điều 255 Bộ luật hình sự.
Có thể tham khảo Mục 5 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP quy định về tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”:
“Về tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 và một số điều luật trong Phần các tội phạm của BLHS
5.1. Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án tích;
b) Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Ví dụ: A là một người không nghề nghiệp, chuyên sống bằng nguồn thu nhập từ việc phạm tội. Trong một thời gian, A liên tiếp thực hiện năm vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
5.2. Khi áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”, cần phân biệt:
a) Đối với trường hợp phạm tội từ năm lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xoá án tích thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
Ví dụ: B đã bị kết án về tội “trộm cắp tài sản”, nhưng chưa chấp hành hình phạt hoặc sau khi chấp hành xong hình phạt, trong một thời gian, B lại liên tiếp thực hiện bốn vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng ba tình tiết tăng nặng là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
b) Đối với tội phạm mà trong điều luật có quy định tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” là tình tiết định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết đó là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS. Trường hợp điều luật không có quy định tình tiết này là tình tiết định khung hình phạt thì phải áp dụng là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS”.
2.2. Mức hình phạt áp dụng
Do Nguyễn Thị Ba phạm tội khi mới 17 tuổi nên sẽ áp dụng mức hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Cụ thể, do Điều 255 chỉ quy định mức hình phạt tù có thời hạn nên sẽ áp dụng khoản 1 Điều 74 Bộ luật hình sự:
“1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop