Trong những ngày vừa qua trên mạng xã hội nhanh chóng lan truyền thông tin về vụ việc cô gái 15 tuổi (sinh năm 2004) bị đánh ghen, cắt trụi tóc dằn mặt. Cụ thể, theo thông tin đăng tải, cô gái này sinh năm 2004 lên thành phố học nghề làm đẹp, được chị chủ Spa tận tình cưu mang, dạy bảo. Tuy nhiên, cô bé này lại có quan hệ bất chính với chồng của chủ Spa nơi mình học việc. Sau khi phát hiện ra, người chủ Spa đã tổ chức đánh ghen và đăng lên mạng xã hội các hình ảnh đã đánh ghen của mình.
Vậy sau sự việc này, trách nhiệm pháp lý của từng người như thế nào?
Thứ nhất, người chồng của người thực hiện đánh ghen có thể bị khởi tố về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 Bộ luật hình sự 2015).
Theo thông tin trên các trang báo chí truyền thông, cô gái bị đánh ghên sinh năm 2004, tức là tròn 15 tuổi. Do đó khi có đủ bằng chứng xác nhận là người chồng đã có hành vi quan hệ tình dục với cô bé bị đánh ghen kia thì người chồng sẽ bị khởi tố về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo Điều 145 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
“Điều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Có tính chất loạn luân;
d) Làm nạn nhân có thai;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
e) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Mức hình phạt có thể lên tới 10 năm tù nếu như có căn cứ chứng minh người chồng đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên.
Thứ hai, trách nhiệm hình sự đối với người vợ đã thực hiện đánh ghen
(1) Tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015
Vì nạn nhân là người dưới 16 tuổi nên dù thương tích dưới 11%, chủ Spa vẫn bị truy cứu trách nhiệm theo quy định.
(2) Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật hình sự
Thế nào là làm nhục người khác?
Theo khoản 1 Điều 20 của Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”
Danh dự là phạm trù đạo đức chỉ lòng tôn trọng của con người trong mọi cử chỉ, hành vi của mình; nhân phẩm là phẩm chất và giá trị con người.
Hành vi làm nhục người khác có mối quan hệ chặt chẽ với danh dự và nhân phẩm con người. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được quy định rất cụ thể tại Điều 34, Bộ luật Dân sự 2015:
“Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình”[…]
Như vậy, làm nhục người khác là hành vi trái pháp luật, xâm phạm nhân phẩm, danh dự của người khác.
(Ảnh: thiếu nữ 15 tuổi bị đánh ghen - Nguồn: mạng xã hội)
Làm nhục người khác bị xử lý thế nào?
Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Xử phạt hành chính:
Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;”
- Xử lý hình sự:
Nếu hành vi này nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội làm nhục người khác:
“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, sau màn đánh ghen kém thông minh thì người đánh ghen và chồng của họ lại là bên chịu hậu quả nặng nề nhất, có thể vướng vào vòng lao lý, mang tiền án một thời gian dài.
Trên đây là một số quan điểm pháp lý của Luật Huy Thành về vụ việc thiếu nữ 15 tuổi bị đánh ghen dã man để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.