Chào bạn, về vấn đề tiền dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà bạn băn khoăn, Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí của Luật Huy Thành xin tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ Mục III Thông tư liên tịch 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 04 tháng 09 năm 2007 quy định về tiền dịch vụ như sau:
Thứ nhất, tiền dịch vụ là khoản chi phí mà người lao động phải trả cho doanh nghiệp để thực hiện hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tiền dịch vụ không áp dụng đối với trường hợp người lao động đã hoàn thành hợp đồng ký với doanh nghiệp (kể cả thời gian gia hạn theo hợp đồng) và được chủ sử dụng lao động gia hạn hoặc ký hợp đồng lao động mới.
Thứ hai, mức tiền dịch vụ:
(1) Mức trần tiền dịch vụ: Người lao động nộp tiền dịch vụ cho doanh nghiệp không quá một tháng tiền lương (hoặc tiền trợ cấp tu nghiệp) theo hợp đồng cho một năm làm việc; riêng sỹ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá một tháng rưỡi tiền lương theo hợp đồng cho một năm làm việc. Tổng mức tiền dịch vụ tối đa không quá ba tháng lương theo hợp đồng/người/hợp đồng;
(2) Mức tiền dịch vụ phải được ghi rõ trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký kết giữa doanh nghiệp và người lao động;
(3) Tiền lương theo hợp đồng (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền dịch vụ là tiền lương cơ bản không bao gồm: tiền làm thêm giờ, tiền thưởng và các khoản trợ cấp khác. Riêng đối với sĩ quan, thuyền viên tàu vận tải biển, tiền lương theo hợp đồng (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền dịch vụ là tiền lương bao gồm lương cơ bản và lương phép.
(ảnh minh họa: tiền dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được quy định như thế nào?)
Thứ ba, cách thức thu nộp và hoàn trả tiền dịch vụ:
(1) Doanh nghiệp thoả thuận với người lao động để thu tiền dịch vụ một lần trước khi người lao động xuất cảnh hoặc thu nhiều lần trong quá trình thực hiện hợp đồng;
(2) Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp chỉ được thu tiền dịch vụ theo thời gian (số tháng) thực tế người lao động làm việc ở nước ngoài;
(3) Trường hợp người lao động vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật nước đến làm việc mà phải về nước trước hạn hoặc tự ý bỏ hợp đồng ở lại bất hợp pháp thì doanh nghiệp được thu tiền dịch vụ của người lao động theo thời hạn hợp đồng đã ký.
Thứ tư, loại tiền thu nộp và tỷ giá áp dụng:
(1) Trường hợp doanh nghiệp thoả thuận với người lao động thu tiền dịch vụ một lần trước khi người lao động xuất cảnh thì thực hiện bằng đồng Việt Nam.
Tỷ giá áp dụng: nếu tiền dịch vụ được tính trên cơ sở đồng đô la Mỹ thì áp dụng tỷ giá giao dịch bình quân của đồng đô la Mỹ so với đồng Việt Nam trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu nộp. Nếu tiền dịch vụ được tính trên cơ sở các loại ngoại tệ khác thì áp dụng tỷ giá tính chéo giữa đồng đô la Mỹ so với ngoại tệ đó do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo tại thời điểm thu nộp;
(2) Trường hợp doanh nghiệp thoả thuận với người lao động thu tiền dịch vụ nhiều lần trong quá trình thực hiện hợp đồng thì doanh nghiệp thu tiền dịch vụ bằng đồng tiền mà người lao động được trả lương. Nếu thu một phần tiền dịch vụ trước khi người lao động xuất cảnh thì thực hiện bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá nêu trên.
Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành về khoản chi phí cho doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để Quý khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY