Hình thức bảo lãnh

05/01/2018

Câu hỏi:
Tôi có một vấn đề này, mong được giải đáp. Tôi và ông Hùng là hai người bạn thân, thường xuyên qua lại nói chuyện. Mấy tháng trước, ông Hùng có đến gặp tôi và hỏi xem có thể cho cháu ông là anh Tùng vay một ít tiền để lo việc gia đình được không? Ông ấy cũng cam kết, hứa hẹn với tôi là nếu anh Tùng không trả được tiền nợ thì ông Hùng sẽ đứng ra trả nợ thay cho anh Tùng…Vì cũng tin tưởng ông Hùng là bạn thân, tin lời ông Hùng nói nên mấy hôm sau tôi có cho anh Tùng vay tiền. Khi viết giấy vay có mặt cả ông Hùng nhưng nội dung giấy vay tiền chỉ có tôi và anh Tùng vay mượn tiền với nhau. Anh Tùng hẹn tôi 2 tháng sau sẽ trả đủ tiền nợ. Tuy nhiên, đã hơn 4 tháng trôi qua mà anh Tùng vẫn không hoàn trả tiền nợ cho tôi. Tôi đã nhiều lần yêu cầu anh Tùng hoàn trả tiền nhưng anh Tùng đều khất lần, bảo gặp ông Hùng để ông ấy trả…Tôi cũng gặp ông Hùng để nói chuyện thì ông Hùng nói không liên quan đến việc vay mượn của tôi và anh Tùng, bảo tôi tự đi giải quyết…Hiện tại, tôi rất bức xúc với cách trốn tránh trách nhiệm của cả hai người đó. Vậy xin hỏi trong trường hợp của tôi thì tôi có thể đòi nợ ai? Tôi có thể đòi ông Hùng phải có trách nhiệm trả nợ cho tôi có được không vì ông Hùng đã cam kết trả nợ thay cho anh Tùng?

Trả lời:

Kính gửi anh/chị, tình huống của anh/chịbộ phận tư vấn pháp luật tổng đài 1900 6179 của chúng tôi xin giải đáp như sau:

Điều 361, Điều 362 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
“Điều 361. Bảo lãnh
Bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
Điều 362. Hình thức bảo lãnh
Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng hoặc chứng thực”.
Theo các quy định nêu trên thì bảo lãnh là việc bên thứ ba cam kết với bên có quyền sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Và việc bảo lãnh  giữa các bên phải được lập thành văn bản.
Theo thông tin anh/chị cung cấp, ông Hùng chỉ cam kết, hứa hẹn thực hiện việc trả nợ thay cho anh Tùng thông qua lời nói với anh/chị mà không được lập thành văn bản nào. Như vậy, thỏa thuận bảo lãnh giữa ông Hùng và anh/chị sẽ được coi là không phù hợp với quy định pháp luật về hình thức bảo lãnh, do vậy sẽ không phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh của ông Hùng.
Trong trường hợp này, anh/chị có quyền yêu cầu anh Tùng phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo các nội dung đã thỏa thuận trong giấy vay tiền. Nếu anh Tùng vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận thì anh/chị có thể khởi kiện anh Tùng ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu hoàn trả tiền nợ; khi đó có thể ông Hùng sẽ được Tòa án triệu tập tham gia vụ việc của anh/chị với tư cách là người làm chứng vì ông Hùng là người có mặt chứng kiến việc vay mượn tiền giữa anh Tùng và anh/chị.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop