Quyền của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động

05/01/2018

Câu hỏi: Tôi làm việc trong phân xưởng vận hành máy móc trộn bê tông, hôm qua khi máy đang chạy tôi thấy có một cái ốc cố định văng ra và máy quay chệch đi. Sợ có tai nạn xảy ra nên tôi rời chỗ làm việc đi báo cho quản lý phân xưởng để khắc phục. Tôi muốn hỏi hành vi rời chỗ làm việc của tôi lúc đó có bị coi là tự ý bỏ việc trong giờ không?.

Trả lời:
Cảm ơn anh/chị đã gửi câu hỏi đến tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6179 – Công ty Luật Huy Thành. Chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Khoản 1 Điều 6 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định:
“1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền sau đây:
a) Được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc;
b) Được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động;
c) Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
đ) Từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;
e) Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật”.
Trong trường hợp thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình anh/chị có thể rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động nhưng phải báo ngay cho người quản lý. Như vậy, hành vi rời bỏ chỗ làm việc của anh/chị do máy móc bị hỏng có nguy cơ gây ra tai nạn không bị coi là tự ý bỏ việc trong giờ.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop