Thủ tục yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự

05/01/2018

Anh trai tôi bị tâm thần do một tai nạn giao thông (có giấy chứng nhận của bệnh viện). Vừa qua có một người tên H lợi dụng việc anh tôi thiếu minh mẫn đầu óc đã bảo anh tôi ký vào hợp đồng bán chiếc bình cổ (tài sản của anh tôi) với giá rất rẻ. Gia đình tôi muốn làm thủ tục tuyên bố anh tôi là người mất năng lực hành vi dân sự để đòi lại chiếc bình kia. Mong luật sư tư vấn cho tôi.

Chào bạn, Tổng đài tư vấn pháp luật – Công ty Luật Huy Thành cảm ơn sự quan tâm và tham vấn từ bạn. Với thắc mắc nêu trên, Tổng đài xin tư vấn cho bạn như sau:
Đoạn 1 khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“ Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần”
Như vậy, gia đình bạn có thể làm thủ tục yêu cầu Toà án tuyên bố anh bạn là người mất năng lực hành vi dân sự.

(Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố một người có năng lực hành vi dân sự hay không)


Thủ tục yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện như sau: Người yêu cầu nộp đơn yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Đơn yêu cầu phải kèm theo kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác chứng minh người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
Đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự phải có đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 362 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015:
Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;
c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;
d) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;
đ) Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);
e) Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;
g) Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Sau khi thụ lý, tòa án tiến hành xét đơn yêu cầu. Toà án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop