Phục vụ đánh bạc có phạm tội không?

05/01/2018

Câu hỏi:
Em trai tôi đang bị Công an tạm giữ vì có liên quan đến một vụ việc đánh bạc xảy ra trong xã mấy hôm trước; tôi nghe mọi người nói lại là số tiền đánh bạc cũng khá lớn, khoảng 34 triệu đồng. Theo thông tin tôi nắm được thì em trai tôi không tham gia đánh bạc cùng đám người đó mà chỉ nhận tiền người chơi rồi đi mua thuốc, nước phục vụ đám đánh bạc và ra ngoài trông xe, có Công an thì báo động…Vậy xin hỏi trường hợp của em trai tôi có phạm tội gì không? Mức xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Kính gửi anh/chị, tình huống của anh/chị bộ phận tư vấn pháp luật tổng đài 1900 6179 của chúng tôi xin giải đáp như sau:

Khoản 1 Điều 249 Bộ luật hình sự quy định:
“Điều 249. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
1.Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm”.
Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại điều 248 và điều 249 của Bộ luật hình sự quy định:
“Điều 2. Về một số quy định tại Điều 249 của Bộ luật hình sự
1. Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thuộc một trong các trường hợp sau đây là “với quy mô lớn”:
a) Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ mười người đánh bạc trở lên hoặc cho từ hai chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
b) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; khi đánh bạc có phân công người canh gác, người phục vụ, có sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp, điện thoại... để trợ giúp cho việc đánh bạc;
c) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên”.
Theo thông tin anh/chị cung cấp thì em trai anh/chị tuy không đánh bạc nhưng có hành vi nhận tiền người chơi để mua thuốc, nước phục vụ đánh bạc và ra trông xe, có Công an thì báo động…; tổng số tiền đánh bạc là khoảng 34 triệu đồng. Như vậy, chúng tôi cho rằng, hành vi của em trai anh/chị có dấu hiệu của tội tổ chức đánh bạc quy định tại khoản 1 Điều 249 Bộ luật hình sự. Vai trò của em trai anh/chị trong vụ việc đánh bạc có thể được xác định là người phục vụ và canh gác. Do vậy, hoàn toàn có cơ sở để có thể xác định em trai anh/chị đã có hành vi phạm tội tổ chức đánh bạc theo quy định.
Mức hình phạt tương ứng theo khoản 1 Điều 249 Bộ luật hình sự là phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. Ngoài ra em trai anh/chị cũng có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản có liên quan đến vụ việc đánh bạc theo quy định.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop