Thế chấp sổ đỏ cho cá nhân và những hệ quả cần lưu ý

17/07/2019

Dưới đây là những tư vấn của Luật Huy Thành về tình huống thế chấp sổ đỏ cho cá nhân và những hệ quả cần lưu ý.

Tình huống:

Ngày 02/06/2019, tôi có vay tiền của chị Nguyễn Thị B (người Thái Bình, hiện đang sống tại Hà Nội) số tiền 200 triệu, không thỏa thuận lãi suất, thời hạn vay là 10 ngày. Giấy vay tiền do chính tôi viết, cả hai bên cùng ký xác nhận vào giấy vay tiền đó.

Ngày 07/06/2019, tôi mang sổ đỏ đến thế chấp cho chị B để đảm bảo cho khoản vay ngày 02/06/2019 và vay thêm 100 triệu, chị B viết thêm vào giấy vay tiền là thế chấp số đỏ vay 300 triệu.

Hiện nay, chị B kiện tôi ra Tòa án đòi tôi số tiền 500 triệu cùng tiền lãi. Tôi đang rất lo lắng liệu mình có bị mất sổ đỏ không?

Luật sư tư vấn:

Thứ nhất, về giấy vay tiền viết tay:

Bản chất giấy vay tiền viết tay chính là hợp đồng vay tài sản. Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định khái niệm hợp đồng vay tài sản như sau:

“Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Như vậy, giấy vay tiền sẽ có giá trị pháp lý khi: (1) các bên ký kết có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; (2)các bên hoàn toàn tự nguyện, không có lừa dối, đe dọa, ép buộc; (3) đối tượng hợp đồng có thể thực hiện được.

Theo các thông tin chị cung cấp thì giấy vay tiền hoàn toàn có giá trị pháp lý của hợp đồng vay tài sản và bên cho vay hoàn toàn có thể dựa vào giấy vay tiền đó để đòi lại khoản tiền cho vay.

(Ảnh minh họa: Thế chấp sổ đỏ cho cá nhân để vay tiền)

Thứ hai, về việc thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường gọi là Sổ đỏ):

Hiện nay, Điểm g khoản 1 Điều 179 Luật đất đai 2013 quy định hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có quyền thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật.

Pháp luật không có quy định hạn chế cá nhân không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất. Như vậy chị và bên nhận thế chấp có thể lập hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực. Sau khi thực hiện công chứng hợp đồng, chị làm thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất. Theo quy định tại ĐIều 19  thông tư liên tịch 09/2016/TT-BTP-BTNMT hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất quy định hồ sơ đăng ký thế chấp như sau:

Người yêu cầu đăng ký nộp một (01) bộ hồ sơ đăng ký thế chấp gồm:

1. Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp theo Mẫu số 01/ĐKTC;

2. Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng thế chấp có công chứng, chứng thực trong trường hợp pháp luật có quy định;

3. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

4. Giấy tờ chứng minh trong các trường hợp sau:

a) Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký thế chấp là người được ủy quyền;

b) Một trong các loại giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng không phải nộp lệ phí đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 của Thông tư này, nếu có yêu cầu miễn lệ phí đăng ký thế chấp

Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất phát sinh từ thời điểm đăng ký thế chấp.

Tuy nhiên, theo thông tin chị cung cấp thì chị chỉ mang sổ đỏ đến và vay thêm 100 triệu đồng, không làm hợp đồng thế chấp và người cho vay tiền chỉ viết vào giấy vay tiền nội dung là “Thế chấp sổ đỏ vay 300 triệu”.

Khoản 1 Điều 502 Bộ luật dân sự 2015 quy định hình thức hợp đồng thế chấp như sau:

“Điều 502. Hình thức, thủ tục thực hiện hợp đồng về quyền sử dụng đất

1. Hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Bên cạnh đó, điểm a khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định:

“a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;”

Như vậy, hợp đồng thế chấp sổ đỏ không có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này chị có thể thực hiện yêu cầu bà B trả lại sổ đỏ. Nếu chị B không đồng ý thì chị có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu giải quyết.

Thứ ba, về số tiền vay:

Trên thực tế, chị vay của bà B 300 triệu và thế chấp sổ đỏ cho hai khoản vay (ngày 02/06/2019 và ngày 07/06/2019) nhưng lại bị khai khống là 500 triệu. Với tình tiết này chị hoàn toàn có thể tố cáo bà B về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, để tố cáo bà B chị cần có các căn cứ chính xác. Ví dụ như: Giấy biên nhận tiền.

Trên đây là một số nội dung tư vấn về vấn đề thế chấp sổ đỏ cho cá nhân để vay tiền để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop